Người dân cần biết sắp xếp, sử dụng thuốc cẩn thận và an toàn để giảm các sai sót, nguy cơ tác dụng phụ, tương tác có thể gây tử vong.
Tuân thủ dùng thuốc theo bác sĩ chỉ định là chìa khóa để vượt qua bệnh tật và cải thiện sức khỏe của bạn. Hãy đảm bảo bạn hiểu những điểm sau trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc nào:
– Tại sao cần sử dụng thuốc?
– Dùng thuốc như thế nào?
– Cách bảo quản thuốc.
– Điều gì có thể xảy ra nếu không dùng thuốc theo chỉ dẫn?
Trong bất cứ trường hợp nào, nếu có nghi ngờ hoặc không hiểu cách sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, bạn cần tham khảo ý kiến dược sĩ, bác sĩ.
Nên uống thuốc trước, trong hay sau bữa ăn?
Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc sau bữa ăn vì nghĩ rằng uống khi đói sẽ bị “cồn” ruột. Tuy nhiên, về mặt dược học, khi bụng đói hoặc chúng ta ăn no, có nhiều thay đổi trong hệ thống tiêu hoá, bao gồm pH dạ dày, dịch vị, men tiết từ tuỵ và mật, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, hấp thu, và chuyển hoá của thuốc.
Nhiều loại thuốc nhất định nên được dùng trong những thời điểm cụ thể để tối ưu hoá hiệu quả và giảm tác dụng phụ. Sau đây là một số tác nhân ảnh hưởng trực tiếp tới việc dùng thuốc:
Độ pH của dạ dày
Khả năng hấp thu của nhiều loại thuốc phụ thuộc vào độ pH của dạ dày. Do đó, một số thuốc cần sử dụng khi bụng đói, nên dùng 30-60 phút trước khi ăn hoặc cách sau đó khoảng 2 giờ.
Ví dụ:
.- Các thuốc giúp giảm tiết acid dạ dày như nhóm ức chế bơm proton PPI (Pantoprazole, Omeprazole…) và nhóm đối kháng thụ thể histamin H2 (Famotidine, Cimetidine…) dùng khi bụng rỗng giúp tối ưu hóa hiệu quả của thuốc.
– Các nhóm kháng sinh như Tetracycline (Doxycycline, Tetracycline…), Penicillin (Ampicillin), Rifamycins (Rifampin, Rifabutin…) hay Macrolide (Azithromycin, Clarithromycin…) dễ bị ảnh hưởng bởi thức ăn và một vài loại đồ uống.
Tuy nhiên, nhiều loại thuốc lại đạt hiệu quả tốt hơn và an toàn hơn khi dùng trong bữa ăn.
Ví dụ:
– Aspirin và các loại thuốc giảm đau chống viêm (NSAID) khác như Ibuprofen nên uống cùng hoặc ngay sau bữa ăn để giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ như trào ngược acid và chảy máu dạ dày.
– Antacid là thuốc kháng acid dạ dày, dùng trong hoặc ngay sau khi ăn sẽ kéo dài hiệu quả của thuốc.
– Vitamin: Thời điểm các loại vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K) được hấp thụ tốt nhất là sau khi ăn nhờ lượng chất béo có trong thức ăn. Vitamin C có thể dùng trước hoặc sau khi ăn nhưng thường được khuyên dùng khi bụng no để tránh ảnh hưởng dạ dày, điều này áp dụng cho những người có dạ dày yếu, dễ nhạy cảm.
Nhiều loại thuốc vẫn hoạt động tốt dù không phụ thuộc vào bữa ăn như nhóm Statin giúp hạ cholesterol, thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol, kháng sinh Amoxicillin hay Ciprofloxacin, thuốc kháng virus Molnupiravir… nếu dùng đúng liều lượng.
Tương tác thuốc – thức ăn
Ngoài trừ pH dạ dày, chính các thành phần trong thực phẩm có thể tương tác với thuốc được uống. Do đó, chúng dẫn đến thay đổi hoạt tính của thuốc và khả năng hấp thu của cơ thể với thuốc đó.
Ví dụ:
– Sữa và các sản phẩm từ sữa tương tác một số thuốc kháng sinh nhóm Tetracycline (như Tetracycline, Doxacycline …) gây kết tủa canxi, sắt và khoáng chất khiến hiệu quả thuốc giảm. Bạn nên cách ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi dùng thuốc.
– Nước ép bưởi làm giảm hoạt tính của men bất hoạt thuốc trong gan, làm tăng tác dụng chính và cả tác dụng phụ của nhiều loại thuốc. Ví dụ, các loại thuốc giảm cholesterol trị mỡ máu, người bệnh có thể bị triệu chứng như đau đầu, vấn đề về tiêu hóa, suy nhược cơ, tổn thương gan, suy thận mặc dù đang sử dụng liều thường dùng của thuốc.
– Các loại rau có lá xanh và thực phẩm giàu vitamin K làm giảm tác dụng của thuốc chống đông máu warfarin. Đây là một tương tác nguy hiểm vì nguy cơ huyết khối, tắc mạch.
– Khác với các nhóm thuốc dùng trong điều trị cao huyết áp, nhóm ức chế men chuyển angiotensin ACE (Perindopril, Captopril, Enalapril…) được khuyến cáo dùng trước bữa ăn một giờ để hiệu quả của thuốc không bị giảm. Điều này còn giúp giảm nguy cơ tương tác của thuốc với các thực phẩm giàu kali (nguyên nhân làm tăng lượng kali trong máu). Nồng độ kali trong máu cao có thể ảnh hưởng tới sức khỏe như yếu cơ, suy nhược, suy thận, rối loạn nhịp tim dẫn đến tử vong.
Tương tác thuốc – thực phẩm có thể xảy ra với cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Do đó, theo quy tắc chung, bạn nên dùng thuốc cách ít nhất một giờ trước khi ăn và 2 giờ sau ăn nếu có nguy cơ tương tác thuốc – thực phẩm.
Thời điểm dùng thuốc trong ngày
Các loại thuốc hoạt động hiệu quả hơn khi được dùng vào những thời điểm cụ thể. Một số thuốc có hiệu quả tốt nhất vào buổi tối. Ngược lại, nhiều thuốc khác lại hoạt động tốt hơn khi dùng vào buổi sáng.
Việc phân chia thời gian sử dụng thuốc trong ngày bao gồm sáng, trưa, tối, và ban đêm giúp giảm nguy cơ tương tác thuốc, tránh tác dụng phụ như ảnh hưởng giấc ngủ. Đặc biệt, việc này đảm bảo hiệu quả tốt nhất tại thời điểm dùng thuốc.
Ví dụ:
– Nhóm thuốc Statin hạ mỡ máu giúp giảm lượng cholesterol “xấu” LDL nhiều hơn khi dùng vào buổi tối do gan chuyển hóa phần lớn cholesterol vào ban đêm.
– Các thuốc điều trị tăng huyết áp như nhóm thuốc lợi tiểu (Hydrochlothiazide, Indapamide, Furosemide,…) nên dùng vào buổi sáng giúp đào thải lượng nước dư thừa vào ban ngày, tránh làm ảnh hưởng giấc ngủ do tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, nhóm thuốc chẹn Beta (Bisoprolol, nebivolol, Metoprolol), hay nhóm đối kháng cụ thể Angiotensin II (Losartan, Irbesartan, Valsartan)… thường được khuyên dùng vào buổi sáng để điều hòa huyết áp.
Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra, các thuốc điều trị cao huyết áp đạt hiệu quả tốt nhất khi dùng vào buổi tối, giúp giảm nguy cơ liên quan tim mạch như đột quỵ, suy tim. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào tác dụng phụ của thuốc vào ban đêm để quyết định bệnh nhân cần uống vào thời điểm nào. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi tự ý sử dụng thuốc.
Sắp xếp khi dùng cùng lúc nhiều thuốc
Để điều trị một tình trạng bệnh hoặc các vấn đề sức khỏe, nhiều loại thuốc có thể được kê cùng lúc. Chúng ta rất dễ xảy ra sai sót khi phải dùng nhiều hơn một loại thuốc, đặc biệt là những loại có hình thức và tên gọi giống nhau.
Dùng nhiều loại thuốc làm tăng khả năng bị các tác dụng phụ và nguy cơ tương tác thuốc. Do đó, người dân cần biết sắp xếp, sử dụng thuốc cẩn thận và an toàn để giảm thiểu các sai sót có thể gây tử vong.
Để kiểm soát việc sử dụng cùng lúc nhiều thuốc an toàn, thứ nhất, bạn cần thông báo cho bác sĩ, dược sĩ tất cả loại thuốc, thực phẩm chức năng và vitamin đang sử dụng. Bởi chúng có thể tương tác với các thuốc kê đơn của bệnh nhân.
Ví dụ:
– Cimetidine có khả năng ức chế enzyme Cytochrome P450, làm giảm sự chuyển hóa và tăng nồng độ trong máu của các thuốc như Warfarin, Phenytonin, Benzodiazepines,…
– Đối với các bệnh nhân lớn tuổi, aspirin liều thấp (75-100 mg) có thể được dùng để ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch. Nhưng khi sử dụng cùng lúc với các thuốc kháng đông như Warfarin, chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
– Các loại thuốc giảm đau, kháng viêm thuộc nhóm NSAIDs (Ibuprofen, Diclofenac, Aspirin) có khả năng làm giảm tác dụng hạ huyết áp của các thuốc chẹn kênh beta hoặc của các thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE).
– Antacid trung hòa acid bằng cách làm tăng độ pH trong dạ dày. Điều này khiến một vài loại thuốc như Digoxin, kháng sinh Tetracycline, Quinolone (Ciprofloxacine) bị giảm hấp thu và hiệu quả. Ngoài ra, dùng Antacid chung với Pseudoephedrine (điều trị các triệu chứng của viêm mũi dị ứng) hay Levodopa (trị Parkinson) làm tăng nồng độ thuốc trong máu khiến độc tính và các tác dụng phụ tăng theo. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bạn nên dùng các thuốc khác từ 2 đến 4 giờ sau khi dùng Antacid.
Thứ hai, người dân nên ghi lại và luôn cập nhật danh sách tất cả loại thuốc sử dụng bao gồm tên thuốc, liều lượng, tần suất, thời điểm dùng và tác dụng phụ.
Thứ ba, uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày sẽ đảm bảo thuốc duy trì hoạt động hiệu quả.
Để tránh việc quên dùng thuốc, hãy sử dụng biểu đồ, lịch hoặc các ứng dụng nhắc nhở. Đựng thuốc trong hộp có phân chia các thời điểm trong ngày và trong một tuần.